"Được là chính mình" - vở kịch hình thể về số phận những người đồng tính nữ của đạo diễn Bùi Như Lai, phó đoàn trưởng Đoàn kịch Hình thể-Thể nghiệm, diễn ra vào tối qua 10/5 thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh và cả những bạn trẻ.
Tiếp nối thành công của vở diễn “Stereo man” và “Triển lãm Mở” do Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) dàn dựng 2 năm trước, vở kịch đương đại "Được là chính mình" (Stereo woman) diễn ra tối qua (10/5) tại khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ dù không chật cứng, không ồn ào quá tải như những vở kịch khác nhưng lại có một sự kết thúc lạ lùng: Người xem chẳng muốn ra về dù vở diễn trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ đã kết thúc.
Đạo diễn Bùi Như Lai đã mở đầu câu chuyện "Stereo woman" một cách đơn giản nhưng thông minh, với đạo cụ chỉ là hai chiếc ghế, hai khoảng sáng, một bóng người lẻ loi, phân vân, giằng xé giữa bên này hay bên kia...Rồi những âm thanh thôi thúc cứ tăng dần tăng dần, dồn dập dồn dập, bóng dáng lẻ loi cứ chìm dần chìm dần. Thế nhưng, bao nhiêu ánh mắt vẫn cứ hờ hững vụt qua, không một cánh tay nào chìa ra cho cái bóng lẻ loi kia bấu vứu, nương tựa. Không một chút hy vọng, cái bóng cứ run rẩy vật vã. Không hiểu nên quay đầu lại hay bước đi tiếp? Có nên ẩn nấp trong bóng tối hay tự tin bước ra khoảng sáng?
Được là chính mình liệu có dễ dàng? Nhưng nếu không là chính mình, bạn sẽ chẳng là ai khác.
Trong cái giằng xé đó, đột ngột tiếng đập chát chúa vang lên, đó là sự phản đối kịch liệt của các đấng sinh thành. Nhưng rồi chiếc ghế bị đẩy ngã, chiếc bàn bị hất tung. Và thân phận bị tạo hoá trêu ngươi đó đã quyết định được là chính mình. Cả khán phòng như vỡ oà trước quyết định khó khăn của cái bóng lẻ loi đó.
Trong vở diễn, Bùi Như Lai cũng khéo léo đưa những động tác hình thể dễ hiểu nhất, đơn giản nhất như sự giằng xé, cào cấu để những khán giả lần đầu xem loại kịch hình thể này cũng có thể hiểu được. Bùi Như Lai cũng đã lồng ghép các câu thơ, bài hát cả của Việt Nam và quốc tế vào một cách khéo léo như bài Hẹn hò của nhạc sĩ Phạm Duy hay phần kết của câu chuyện là ca khúc You raise me up (Anh đỡ em dậy). Anh kết hợp hình ảnh những cánh tay nâng đỡ nhau tạo cho nhau sức sống, niềm tin trong xã hội vẫn còn quan điểm sai lạc trong cách nhìn nhận đồng tính.
Một điều nhỏ khiến "Được là chính mình" tối qua làm người xem tiếc nuối đó là Bùi Như Lai đã chưa đưa vào được những hình ảnh về những con người chuyển giới, những giằng xé nội tâm của họ. Sau Stereo man và Stereo woman, hy vọng khán giả sẽ được chia sẻ tiếp với những câu chuyện về người chuyển giới.
Sau buổi diễn, NSƯT Lê Chức phát biểu: "Tác phẩm này theo tôi quá xuất sắc, nỗi đau đã được chuyển thành cái đẹp. Thế nhưng, giá như Như Lai có thể chuyển những ca khúc tiếng anh như You raise me up sang thành tiếng Việt thì hiệu quả và thông điệp mang tới khán giả chắc chắn sẽ cao hơn nữa bởi không phải ai trong chúng ta ngồi đây đều biết tiếng Anh".
MC Tạ Bích Loan (Ảnh: Angellittlefire)
Còn MC Tạ Bích Loan đã không giấu nổi cảm xúc, chị đứng lên nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi thấy con người ta sống sao khổ quá, chúng ta cứ như cái hộp có rất nhiều vỏ bọc. Và ai cũng muốn là chính mình, nhưng liệu làm được chính mình có dễ dàng không, tôi tin chắc là không dễ chút nào. Bởi trong xã hội này, muốn là chính mình quả nhiều rủi ro và nguy hiểm. Nhưng chúng ta cũng chẳng thế sống trong một cái vỏ bọc mãi được, nếu không là chính mình, chúng ta sẽ chẳng là ai khác".
Đạo diễn Bùi Như Lai cho biết: "Chúng tôi luôn luôn mong muốn xây dựng những chương trình đề cập đến cuộc sống của người đồng tính, qua đó để cộng đồng, khán giả hiểu hơn họ như thế nào, chứ chúng tôi không tung họ lên trên mây hay là bảo rằng mọi người hãy sống theo họ đi, hãy trở thành họ đi. Chúng tôi không có những phương châm như thế, đấy là quan điểm rất chuẩn mực của chúng tôi khi đặt ra các tiêu chí làm về các vấn đề liên quan đến xã hội. Đây là một chương trình truyền thông nhưng chúng tôi lựa chọn một hình thức bằng nghệ thuật mới lạ, đầy sức hấp dẫn, đầy tính sáng tạo và đầy cảm xúc".