Theo chúng tôi, những gì diễn biến vừa qua thực chất chỉ là những bước khởi đầu. Có thể chúng ta thấy xã hội đã có những quan tâm nhiều hơn đến đồng tính, quyền của người đồng tính, các nhà vận động chính sách cũng lên tiếng nhiều hơn về vấn đề này. Nhưng đây chỉ là những bề nổi, một phần do truyền thông tạo nên cao trào trong một khoảng thời gian nhất định. Hiện Việt Nam còn vướng khá nhiều rào cản thuộc về bản chất, quan niệm lâu đời trên cả phương diện xã hội lẫn pháp lý không thể thay đổi trong một thời gian ngắn được.
Cùng một nội dung của tác giả Trương Hồng Quang (Bộ Tư Pháp) trên Boyvn Online
- [Cofe Sáng 8h8 trên Boyvn Online] Ném vào cuộc đời sự kỳ thị
- [Cofe Sáng 8h8 trên Boyvn Online] Người đồng tính dễ bị xâm hại
- LGBT: Quan tâm vấn đề gì dưới góc độ xã hội và pháp lý?
- 71,1% người đồng tính muốn được pháp luật thừa nhận
- Nhu cầu kết hôn của người đồng tính là chính đáng
- "Đám cưới đồng giới" và những vấn đề xung quanh
Thời gian qua, có lẽ việc Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang được tổ chức nghiên cứu sửa đổi nên hầu như tất cả các kênh thông tin đại chúng, các thành phần xã hội dường như chỉ tập trung vào vấn đề quyền kết hôn, đề nghị công nhận quyền này tại Việt Nam trong thời gian tới.
1. Quyền kết hôn có phải là tất cả?
Thực chất, chúng tôi thấy rằng nhu cầu kết hôn là nhu cầu có thật, đang ngày càng thể hiện rõ nét ở Việt Nam. Theo khảo sát trực tuyến của một số báo mạng gần đây đã cho thấy điều này (ví dụ như kết quả khảo sát đến ngày 19/7/2012 của vnexpress.net thì trong số 24.832 người bỏ phiếu có đến 15.558 người (62,7%) cho rằng nên công nhận hôn nhân đồng tính, kết quả khảo sát của Báo Dân trí điện tử đến ngày 23/7/2012 thì trong số 30.226 người bỏ phiếu thì có đến 23.526 người (78%) đồng ý nên công nhận hôn nhân đồng tính để đảm bảo quyền tự do cá nhân,…). Những con số này, dù chưa thể thống kê được có bao nhiêu người dị tính, bao nhiêu người đồng tính tham gia bỏ phiếu nhưng cũng đã chứng minh được một nhu cầu chính đáng đang tồn tại ở Việt Nam. Một điểm nữa cũng cần quan tâm là các bài viết trên báo chí, truyền thông, một số Hội thảo thời gian qua đều đề cập đến vấn đề hôn nhân đồng tính rất nhiều và khá trực diện. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các đám cưới đồng tính được tổ chức một cách khá rầm rộ, thể hiện khát vọng hôn nhân của họ. Những đám cưới này, đến nay vẫn bị xem là không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại quan niệm truyền thống của các nước Châu Á.
Có thể nhận thấy, kết hôn là một quyền quan trọng của bất cứ con người nào tồn tại trên thế giới này. Đây là quyền thể hiện rõ nhất tính mưu cầu hạnh phúc của cả một cộng đồng người trong xã hội. Nhưng, quyền kết hôn không phải là tất cả bởi bên cạnh quyền này còn rất nhiều quyền khác, vấn đề khác mà chúng ta cần lưu tâm để góp phần hoàn thiện, nâng cao việc bảo vệ quyền cho người đồng tính. Đó có thể là trẻ em đường phố đồng tính, là bạo lực gia đình ngay trong chính gia đình đối với người thân/con cái là đồng tính, hay vấn đề mại dâm đồng tính đang nhức nhối trong xã hội hiện nay mà chưa có biện pháp ngăn ngừa, xử lý hữu hiệu. Ngay cả liên quan trực tiếp đến quyền kết hôn cũng còn có một số quyền khác mà các nhà vận động chính sách cần quan tâm như quyền thừa kế, quyền nhân thân, quyền nhận con nuôi. Quyền kết hôn cũng đang vấp phải rất nhiều rào cản về tư duy làm luật cũng như quan niệm của xã hội. Có lẽ phải nhận thức được một cách toàn diện thì mới mong có những bước đi đúng đắn, đầy đủ, tránh những thiếu sót đáng tiếc trong quá trình vận động quyền cho người đồng tính tại Việt Nam thời gian tới.