Nói tình yêu của những người đồng tính là trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, vậy thuần phong mỹ tục là gì? Việc kỳ thị, dè bỉu tình yêu của người khác liệu có phải là thuần phong mỹ tục của người Việt Nam hay không?
Theo ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường, vài năm trở lại đây, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những đám cưới của người đồng tính. Tuy nhiên, những đám cưới đó chỉ mang tính biểu tượng.
Ngoài xã hội, người ta cũng thấy những người có xu hướng yêu người đồng giới xuất hiện nhiều hơn xưa. Nguyên nhân là vì, trong xã hội thời nay, nhất là sau khi Việt Nam hội nhập với thế giới, việc giao lưu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau đã khiến cho quan niệm của nhiều người trở nên cởi mở hơn. Chính vì thế, xu hướng những người đồng tính dám lộ diện để được sống là chính mình cũng nhiều hơn.
Sau khi tổ chức đám cưới, đôi trẻ này đã phải bỏ trốn khỏi địa phương.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng nói đó là, trong khi trên thế giới càng ngày càng có nhiều nước thừa nhận về vấn đề đồng tính thì ở Việt Nam, luật pháp vẫn cấm việc kết hôn giữa những người đồng tính. Và một số người trong xã hội vẫn giữ tư tưởng kỳ thị đối với người đồng tính. Họ không công nhận tình yêu của những người này, hoặc nhìn nhận tình yêu đó như một thứ tình yêu trái đạo.
Bất cứ ai sinh ra cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, cho nên, chỉ có những người không hiểu mới lên án, kỳ thị hạnh phúc của người đồng giới.
Còn đối với các cán bộ xã phường, các cán bộ thực thi pháp luật khi giải quyết các vấn đề về đồng tính thì bắt buộc phải có những kiến thức về vấn đề đồng tính. Bởi nếu không có kiến thức đầy đủ, thì dựa trên quyền lực của mình, họ sẽ có những cách hành xử làm tổn thương đến người khác, thậm chí là gây tội ác cho người khác mà chính họ cũng không biết - Bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập - Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - Gia đình - phụ nữ và Vị thành niên (Csaga).
“Để biện luận cho cái tư tưởng kỳ thị đó, hầu hết những người theo quan điểm này đều cho rằng, việc hai người đàn ông, hoặc hai người phụ nữ đến với nhau, yêu nhau, và muốn chung sống với nhau như vợ chồng là trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Vậy thuần phong mỹ tục là gì? Nó chả phải là những giá trị, những truyền thống, những thói quen tốt đẹp hay sao? Vậy việc kỳ thị, hay dè bỉu về hạnh phúc của người khác liệu có phải là thuần phong mỹ tục hay không?” - ông Bình phân tích.
Vẫn theo ông Bình, những cặp đôi đồng giới đến với nhau, chẳng qua cũng chỉ khác những cặp đôi khác ở xu hướng tính dục. Mà xu hướng tính dục thì là bẩm sinh, không phải là thứ sinh. Do vậy, việc những người đồng tính mong muốn có được tình yêu, và được sống hạnh phúc với người mình yêu là nhu cầu hoàn toàn chính đáng.
Quay trở lại với cặp đôi đồng tính ở Hà Tiên (Kiên Giang), sau khi tổ chức đám cưới trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ, đã bị chính quyền địa phương gọi lên để giáo dục và xử phạt hành chính, ông Bình cho biết, chỉ xét riêng về vấn đề hành xử giữa con người với con người thì cách hành xử này đã làm tổn thương đến những người liên quan.
Vì trước đó, đã có những trường hợp người đồng tính, sau khi mạnh dạn đứng ra tổ chức đám cưới nhưng gặp phải sự kỳ thị của xã hội đã phải sống trốn sống tránh xã hội, hoặc là phải cam kết chia tay nhau như trường hợp cặp đôi đồng tính nữ ở Hà Nội thời gian trước đây đã được báo chí đưa tin, hay trường hợp của cặp đôi đồng tính ở Cà Mau. Còn trong trường hợp này thì 2 bạn trẻ đã phải trốn khỏi địa phương.
Tuy nhiên, gây ra những sự việc như thế này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền địa phương, bởi họ cũng rất bối rối, vì họ không có được những thông tin đầy đủ về vấn đề đồng tính, hay những hướng dẫn cụ thể để giải quyết các vấn đề này.
Do vậy, vấn đề sẽ được nhiều người hiểu rõ hơn, các cán bộ thực thi pháp luật có thể giải quyết có tình hơn, nếu như nó được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội quan tâm hơn, có thể đưa ra để thảo luận trước Quốc hội, hoặc có thể bắt đầu thảo luận từ những nhà tâm lý, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu xã hội học...
Pháp luật cấm kết hôn chứ không cấm tổ chức đám cưới
Theo luật sư Bùi Đình Ứng - Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội, việc kết hôn giữa hai người đồng tính là không được pháp luật chấp nhận (điều này đã được ghi rất rõ trong Khoản 5, Điều 10, Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000). Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ 2 khái niệm, đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới.
Đăng ký kết hôn là phải theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Còn việc tổ chức đám cưới tức là tụ họp gia đình bạn bè để ăn uống liên hoan thì lại phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi gia đình. Vấn đề này pháp luật không can thiệp.
Hai người đồng giới chấp nhận tổ chức đám cưới, hoặc về chung sống với nhau như vợ chồng cũng là quyền của mỗi người. Những đám cưới này được tổ chức mang ý nghĩa không khác gì một buổi tổ chức sinh nhật, hay chỉ là một dịp gặp gỡ, liên hoan với bạn bè, người thân... Chính vì vậy, 2 người đồng giới chỉ tổ chức đám cưới không bị coi là vi phạm pháp luật. Người tổ chức đám cưới này cũng không có trách nhiệm phải xin phép chính quyền địa phương.
Nếu địa phương xử phạt gia đình chỉ vì tổ chức đám cưới mà không xin phép địa phương là trái với quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương chỉ có thể xử phạt họ nếu có những vấn đề có liên quan đến việc làm rối an ninh trật tự địa phương.