|
Ảnh minh họa: Carlosrocha.art.br. |
Dù gần 30 tuổi nhưng Thuận vẫn chẳng đoái hoài đến chuyện lứa đôi, bởi anh luôn bị ám ảnh bởi về những lần "chung đụng" với chính người anh ruột của mình hơn mười năm trước.
Theo lời Thuận (Bắc Giang) kể lại, chuyện đó xảy ra khi anh vừa bước vào cấp 3. Thuận khá thân thiết với người anh trai hơn mình 3 tuổi và thường chuyện gì cũng tâm sự với anh. Một lần, Thuận được anh rủ xem "phim bí mật" - một băng video đen, trong đó nhân vật chính là hai người đàn ông. Thuận cảm thấy ghê sợ, buồn nôn nhưng người anh nhất định ấn cậu ngồi xuống, không cho ra khỏi phòng. Không chỉ vậy, khi đêm xuống, lúc ngủ chung, anh ta còn bắt cậu thực hành những điều vừa nhìn thấy trên màn ảnh.
Và chuyện ấy đã diễn ra suốt gần một năm liền. Thuận bị giằng xé bởi thấy ghê sợ chuyện giữa mình và anh trai nhưng lại không biết làm sao để chấm dứt. Cậu chẳng dám nói với bố mẹ bởi sợ họ sẽ "sốc", thậm chí chẳng tin chuyện này. Thuận chỉ dám tâm sự nỗi lòng trên một trang mạng và rất may sau đó, nhận được những lời chia sẻ từ những người đã gặp tình huống tương tự, Thuận đã thuyết phục được anh trai từ bỏ những hành động bệnh hoạn.
Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, Thuận vẫn bị ám ảnh bởi chuyện cũ, thấy "chuyện ấy" thật ghê sợ, xấu xa nên chẳng muốn bắt đầu quan hệ yêu đương với ai.
Tấn (Gia Lâm, Hà Nội) cũng mang tâm trạng đau khổ, hoang mang suốt mấy năm liền khi lần đầu tiên làm "chuyện ấy" lại là với người mẹ kế khi cậu mới 15 tuổi. Sự thật này Tấn chưa bao giờ dám thổ lộ với ai, cho đến khi cậu vô tình gặp được một chuyên gia tư vấn tâm lý tại trại cải tạo lao động cách đây không lâu.
Theo lời Tấn kể, bố mẹ em ly dị từ khi em còn nhỏ. Bố lấy vợ hai và mang Tấn về nuôi. Người mẹ kế trẻ tỏ ra rất quan tâm và hay bênh vực em nên em dần gần gũi và cũng quý mến bà.
Thế rồi, cách đây hai năm, khi em đang học lớp 9 thì một đêm bố vắng nhà, em thấy mẹ kế vào phòng ôm chầm lấy mình rồi hôn, vuốt ve khắp cơ thể. Em cảm thấy hơi lạ nhưng không dám cưỡng lại. Rồi mẹ thủ thỉ rằng em rất quan trọng với mẹ và em đừng làm bà buồn. Vừa sợ vừa tò mò, Tấn làm theo tất cả những gì người đàn bà ấy bảo. Khi mọi chuyện đã xảy ra, Tấn cảm thấy hoảng sợ vô cùng.
Sau vài tháng tiếp diễn chuyện đó, cậu đã theo một đám bạn đi bụi vì không muốn trở về căn nhà đó nữa. Cậu sợ đối diện với cha cũng như lại phải tiếp tục làm theo lời người dì ghẻ. Trong một lần cùng nhóm bạn đi cướp giật để lấy tiền sống, Tấn đã bị bắt và phải đi cải tạo.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Phát triển xã hội, từ trước đến nay, mọi người vẫn luôn nghĩ phụ nữ hay trẻ em gái là đối tượng thụ động nên mới bị xâm hại còn nam giới thì không. Nhưng thực tế, cả trẻ nam lẫn nữ đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, thậm chí, các em nam còn thiệt thòi hơn bởi hầu như không hề được dạy phải cảnh giác và biết cách phòng vệ khi gặp những tình huống đó.
Mới đây, trong một hội thảo về phòng chống lạm dụng và xâm hại trẻ em tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã giật mình khi tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội đưa ra kết quả một nghiên cứu của bà với gần 300 học sinh 12-18 tuổi: tỉ lệ nam sinh bị xâm hại tình dục là hơn 20%, trong số ở nữ sinh là 18%. Nghiên cứu này còn cho thấy, đối tượng xâm hại tình dục các em nam đa số là người thân, quen, trong đó không ít người là bố, mẹ, anh chị em ruột hay bạn bè thân thiết của các bậc phụ huynh.
Một nghiên cứu của Viện Phát triển xã hội vào năm 2007 về bạo lực tình dục và tình dục đồng giới cũng cho thấy có tới 7% nam giới (15 - 49 tuổi) cho biết từng có tiếp xúc về tình dục từ năm 14 tuổi về trước và đa số là do bị ép buộc. Trong đó, khoảng gần 1/3 số này thổ lộ đối tượng quấy rối họ là người trong gia đình. Một nửa số người được hỏi khẳng định, điều này đã ảnh hưởng xấu và rất xấu đến cuộc sống của họ sau đó.
Viện trưởng Viện Phát triển xã hội cho biết, chuyện trẻ nam bị xâm hại hay nam giới bị quấy rối tình dục là điều đã được nhiều nước trên thế giới cảnh báo, trong đó có một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Campuchia. Còn ở Việt Nam gần đây mới chú ý đến hiện tượng này. Cũng bởi thế, từ trước đến nay ở nước ta hầu như chưa có một nghiên cứu nào tập trung đến việc trẻ nam bị xâm hại mà thường đó là các phát hiện tình cờ trong các nghiên cứu chung. Vì thế, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì các kết quả này có thể sẽ cao hơn nhiều.
Theo bà Hồng, từ xâm hại ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là quan hệ tình dục mà kể cả những tiếp xúc mang ý nghĩa về mặt tình dục như đụng chạm, sờ mó, các cử chỉ, lời nói...
Theo bà, nhiều khi, người trong gia đình xâm hại trẻ cũng không ý thức được việc làm của mình. Điển hình là người Việt Nam có thói quen hay nghịch dương vật của các bé trai, trêu chọc, bình phẩm bộ phận sinh dục của các em và cho đó là cử chỉ âu yếm mà không biết điều đó khiến các em khó chịu. "Đôi khi, ranh giới giữa hành vi thân mật và xâm hại rất mong manh, nhất là khi đó là từ những người thân thiết trong gia đình", bà nói.
Về tác động của việc bị xâm hại tình dục đối với các bé trai, bà Hồng cho rằng, cũng như các em nữ, các em nam khi bị quấy rối lúc nhỏ, khi chưa có kỹ năng phản đối hay giải quyết hậu quả, không chỉ dễ bị lây bệnh, bị tổn thương về cơ thể,
sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và cuộc sống sau này. Trẻ có thể sẽ tự ti về bản thân, suy nghĩ lệch lạc về tình dục (sợ, rụt rè, coi đó là chuyện xấu)...
Hiện nay, đa số các bậc phụ huynh khi có con trai thường có tâm lý "yên tâm" hơn so với có con gái và hầu như họ không bao giờ nhắc nhở hay chú ý đến việc dạy con phòng, tránh nguy cơ bị xâm hại. Theo bà, thái độ này cần được thay đổi. Để tránh cho con, cả trai lẫn gái gặp phải tình huống xấu này, bố mẹ cần quan tâm chia sẻ với bé các kiến thức về giới tính, tình dục lành mạnh và an toàn phù hợp với lứa tuổi. Các bậc phụ huynh cũng cần giúp con nhận biết được đâu là hình vi thân mật giữa người thân, đâu là hành vi không được phép và làm thế nào để phản đối hay tìm sự trợ giúp...
Vương Linh
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi