Kieunu.info – Là cháu đích tôn trong một gia đình trí thức ở Sài Gòn, anh Hồ Thanh Bảo, giám đốc một công ty tư vấn xây dựng của Australia văn phòng tại Hà Nội được kỳ vọng nhiều cả ở cuộc sống riêng tư lẫn sự nghiệp. Trong ba anh em, ngoài anh Bảo là người đồng tính nam (gay) còn có cô em gái là đồng tính nữ (lesbian – les). Duy chỉ có cậu em út kém anh 10 tuổi là “straight” (bình thường). Sinh ra trong một gia đình nhà giáo lại bị bố mẹ quản chặt nên từ lớp 1 đến lớp 12, Bảo hầu như luôn là người đứng đầu lớp. Hết cấp 3, Bảo sang Australia du học đến năm 2002 mới về nước.
“Lúc đầu khi công khai mình là người đồng tính, bố mẹ và người thân có hơi giật mình. Ngay khi mình come out (thuật ngữ chỉ người đồng tính công khai giới tính), cô em gái cũng thú nhận là les”, anh Bảo cho biết.
Từ hồi học lớp 8, Bảo bắt đầu cảm thấy mình “lạ lạ”. Thời điểm ấy, thông tin về đồng tính không phổ biến nên cậu chưa hiểu rõ rung động đó là gì. Anh Bảo cho rằng do tâm lý sợ bị người khác coi thường nên ngay từ nhỏ, anh luôn cố gắng để thành công.
Mải mê với việc học nên cảm giác mơ hồ về giới tính chỉ trở nên rõ ràng hơn khi anh đi du học. Một năm sau khi anh Bảo công khai với gia đình, bố mẹ anh mới dần chấp nhận sự thật. Trước đó khi mới nghe tin, người thân của anh nghĩ rằng đồng tính là tệ nạn xã hội, chơi bời hay bị lôi kéo. Thấy con trai thành đạt và trưởng thành, bố mẹ anh không còn lo lắng nhiều. Ngoài giới tính, những người như anh Bảo cũng có công việc, cuộc sống như bao người bình thường khác.
Hiện tại khi cuộc sống đã ổn định và có vị trí nhất định trong công việc, vị giám đốc này bắt đầu nghĩ đến gia đình và những đứa trẻ. Trước khi có “vợ con”, anh muốn chuẩn bị kỹ càng về vật chất và tinh thần. Bạn trai của anh là một người bạn lâu năm trong giới. Hai người bắt đầu yêu nhau mới hơn một năm nay. Công việc thường xuyên phải di chuyển theo các dự án nên thời gian của anh Bảo phân chia chủ yếu giữa Hà Nội và Sài Gòn. Do vậy, anh và “bạn gái” chỉ tranh thủ gần nhau những lần anh về Sài Gòn.
Anh Bảo tâm sự, ra Hà Nội làm việc đã được ba năm nhưng chưa từng bị bạn bè, đồng nghiệp nhìn với con mắt kỳ thị vì là người đồng tính. Những người xung quanh quan tâm tới chất lượng công việc và năng lực thay vì chú ý tới giới tính của anh.
Cũng được xem là một điển hình thành đạt của cộng đồng người đồng tính, anh Lê Hùng, quản lý tài chính của một công ty thuộc Tập đoàn VNPT có “người yêu” đã hơn 5 năm nay. Cả hai quen nhau qua những lần trao đổi trên diễn đàn người đồng tính lớn nhất Việt Nam do anh Hùng làm admin. Mặc dù phía gia đình người bạn trai chưa hoàn toàn ủng hộ nhưng hai người vẫn dự tính làm đám cưới.
Lúc mới gia nhập cộng đồng người đồng tính, anh luôn giấu giếm, sợ hãi thể hiện tình cảm với bạn công khai. Theo anh Hùng, không ít trường hợp che giấu giới tính thật bằng cách kết hôn hoặc có “hợp đồng hôn nhân” với một đồng tính nữ khác.
“Với những trường hợp buộc phải lấy vợ do sức ép gia đình, họ phải dùng thuốc kích thích ham muốn để làm chuyện ấy với vợ. Tuy nhiên việc đó không kéo dài và chẳng mấy chốc mối quan hệ sẽ tan vỡ, người phụ nữ sẽ khổ”, anh Hùng tiết lộ.
Đối với những đôi, chồng là đồng tính nam, vợ là đồng tính nữ, chuyện che giấu sẽ dễ dàng hơn. Trước mặt người thân, bạn bè, họ là đôi vợ chồng hạnh phúc nhưng sau đó, mỗi người sẽ tự đi tìm bạn cho riêng mình. Sự thỏa thuận này giúp họ “vẹn cả đôi đường”.
Để giải quyết vấn đề có con, một số sẽ nhờ người đẻ thuê với giá từ 400 đến 500 triệu đồng (miền Bắc) và 200 triệu đồng (miền Nam). Do chưa được công nhận nên người đồng tính thường phải lén lút tìm bạn tình và có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục do “ngại mua bao cao su”.
Là admin của diễn đàn đồng tính lớn nhất ở Việt Nam, lại còn sở hữu một tiệm spa, bar dành riêng cho gay, anh Hùng có nhiều cơ hội tiếp xúc nhiều với người trong giới. Theo anh, những người đồng tính mong được xã hội công nhận thay vì bị xem như một “vật thể lạ”.
“Nhiều người đồng tính đã có tuổi tâm sự họ phải sống thời gian dài trong vỏ bọc khi trước kia vấn đề này chưa được cởi mở. Không ít trường hợp nắm giữ chức vụ quan trọng chưa dám sống thật với chính mình phải thường xuyên ra nước ngoài giải quyết nhu cầu”, anh Hùng nói.
Ở spa của anh, thỉnh thoảng lại có những vụ vợ đến đánh ghen chồng hoặc anh, em; bố, con; em vợ, anh rể đụng nhau ở chốn chỉ dành riêng cho người đồng tính.
Mới đây khi biết tin Bộ Tư pháp trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính, anh Bảo và anh Hùng hy vọng động thái này sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội để những người như anh được thừa nhận và đàng hoàng chung sống như vợ chồng với người mình yêu.
“Thực sự tôi ngạc nhiên vì đây là một bước tiến khá lớn của Việt Nam so với Á châu nói chung. Hiện giờ ngay cả ở châu Âu vẫn có một số nước chưa làm được. Trong sự bình đẳng giữa con người thì hôn nhân là quyền cơ bản nhất. Dù chỉ là đưa ra vấn đề này để bàn thôi chứ dám nói là được đồng ý thì đó cũng là sự thay đổi tích cực”, anh Bảo cho hay.
Theo anh Bảo, việc làm này của Bộ Tư pháp được cộng đồng người đồng tính đánh giá cao. Đồng tình với ý kiến này của anh Bảo, anh Hùng chia sẻ: “Có được chấp nhận hay không thì tôi vẫn rất vui vì động thái trên cho thấy Việt Nam tương đối cởi mở hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Đại diện những người đồng tính trên cho biết thêm, một trong những bước cản lớn nhất từ trước tới nay đối với người đồng tính là không được thừa nhận và không được quyền kết hôn. Anh Bảo cho rằng, nếu pháp luật thừa nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới thì sau đó, tự nhiên xã hội cũng sẽ chấp nhận. Vấn đề đồng tính và hôn nhân đồng tính sẽ trở nên bình thường. Khi quyền con người được bảo đảm, cả pháp luật và xã hội chấp nhận, người đồng tính sẽ không có cảm giác bị kỳ thị.
So với chục năm trước, mặc dù đồng tính đã được đề cập khá cởi mở nhưng vấn đề này vẫn còn “úp mở” và chỉ được ngầm hiểu. Nếu luật cho phép kết hôn đồng tính thì vấn đề trên sẽ được bình thường hóa.