Một lần về thăm người bạn cũ đã mồ côi mẹ ở tuổi chập chững vào đời,
chúng tôi gặp lại nhau gượng cười mà lòng cứ thấy se se. Căn nhà ấm cúng hôm nào giờ bỗng trống trải. Khi mùa Vu Lan về, bạn lại tìm mua bảy bông hoa loa kèn, chưng trên bàn thờ mẹ. Màu trắng như bơ vơ hơn…
Tích Vu Lan bắt nguồn từ tấm lòng hiếu thảo cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Tấm gương chí hiếu lớn lao ấy muôn đời sau vẫn phải soi vào. Đã từng có "quy ước" bất thành văn: trong Lễ Vu Lan, nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đó mất mẹ cài hoa màu trắng. Và chuyện ở xứ mình… "Mùa Vu Lan báo hiếu, anh còn mẹ hay không?". Tôi gật đầu. Cô bé cười chúc mừng rồi cài lên áo tôi bông hồng đỏ khi áo em đính nụ hồng trắng tê lòng.
Vu Lan - Mùa báo hiếu cha mẹ. Sự Hiếu trung, Đức hỉ xả, Tâm từ bi như giúp con người sống tốt hơn. Nghiệp văn, nghề báo đã cho tôi đi, gặp gỡ và viết về nhiều thân phận con người. Viết để người ta đồng cảm đã không dễ, viết cho người ta yêu thì khó đến tận cùng… Dẫu biết rằng, không có người mẹ nghèo trong mỗi đứa con, chỉ có mẹ sớm hôm tần tảo, thế mà đến bây giờ tôi vẫn chưa viết nổi một dòng cho má trọn vẹn như tình thương má giành cho tôi. Bởi lẽ tôi biết; dẫu ở đâu trên mặt đất này, má vẫn luôn hiện hữu trong tôi, ánh mắt má vẫn dõi theo những bước chân tôi đi trên vạn nẻo đường đời.
Và sáng nay gặp chị. Câu chuyện giữa hai người lại một lần nữa đứt quãng, lưng chừng. Chị bỏ dở câu nói: “Ừ! Chị cũng mất mẹ…”. Chỉ bấy nhiêu thôi mà tôi như đang đứng giữa đôi bờ cảm xúc của miền vui, miền buồn. Để bây giờ khi nhìn bông hồng trắng trên áo người em bất hạnh, tôi chỉ biết nói với lòng rằng: “con thương Má lắm Má ơi!...”.
Vu Lan. Mùa con người đưa suy tư của mình trở về quá khứ, thể hiện đạo làm con với các đấng sanh thành. Dẫu ai đó có vị trí nào trong xã hội, mùa Vu Lan về cũng trở nên bé bỏng trước Người. Có lẽ, Vu Lan như cõi đời thật sự để những người con lang thang trong kiếp sống mênh mông được trở về đối diện với lòng mình đúng nghĩa hơn.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan về cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân mà người ta còn gọi là Tết Trung nguyên. Theo sách nhà Phật, ngày này các vong nhân không nơi nương tựa, không còn thân thích trên cõi trần gian để thờ phụng hoặc những linh hồn vì một oan khiên nào đó vật vờ sẽ được xá tội. Đại Thi hào Nguyễn Du của chúng ta từng khóc cho những kiếp người với “Văn tế Thập loại chúng sinh”. Trang thơ gửi lời yêu thương cho mười loại người thống khổ: “Mười loài là những loài nào/ Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh…”. Rằm tháng bảy, một ít cháo lá đa đặt bên lề đường cũng khiến bao vong hồn vất vưởng nơi cõi âm chợt ấm. “Sống đã chịu một đời phiền não, thác lại nhờ hớp cháo lá đa”. Đó là một tấm lòng trong vạn tấm lòng bao dung, như một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt gìn giữ qua bao đời nay theo quan niệm “sống gửi thác về”.
Liệu, nét đẹp ấy có còn được giữ đúng như tinh thần vốn dĩ hay không, khi chim phóng sinh người ta trả về trời hòng cầu phước cho gia đình, mua cá cảnh thả ra hồ để khấn an cho người thân. Vậy mà cá vẫn trở lại chậu và chim phải bay về lồng để rồi một con cá, một chú chim được phóng sinh rất nhiều lần.
Buồn thay, nhiều người mong đến Vu Lan để được tận tay giải thoát cho những sinh linh “cá chậu, chim lồng”. Trong số ấy nhiều người cố làm ngơ trước những sinh thể lăn lóc giữa sân chùa chờ chút của bố thí. Những thân phận hằng đêm co ro ở nhà chờ xe buýt, ghế đá công viên với những chiếc áo không đủ ấm khi mưa về. Trong giấc ngủ ấy, bao cơn mơ đang chập chờn chật vật với miếng cơm, manh áo. Đau lòng hơn là những người nhiễm HIV/AIDS đang đứng trước “ngưỡng cửa hẹp”. Họ rất cần bàn tay sẻ chia, những tấm lòng bao dung, độ lượng. Vậy mà những gì họ nhận được thường chỉ là sự rẻ rúng, khinh thường.
Hình như, người sống đang đi theo bước chân người đã thác, bỏ quên cõi sống bằng sự hờ hững, vô tình. Có người mười lăm năm giữa thiên đường lạnh đã tiễn đưa biết bao sinh linh bé bỏng về trời. Có lần anh giữ lại chiếc nôi, cái trống rung, mấy bộ áo quần của một người cha giàu có gởi theo đứa con khi chưa kịp đặt tên đã sớm lìa đời để chia phần cho những sinh thể bắt đầu kiếp người mà cha mẹ chúng không đủ sức mua. Thế là của cải cho cõi âm đã trở thành món quà quí lắm cho cõi dương trần.
Dù cho lễ Vu Lan bây giờ có khác ngày xưa đi nữa, hình ảnh cụ già cầm tay cháu bé trên áo cài hoa trắng vào chùa nguyện cầu giữa khói hương nghi ngút, giữa tiếng kinh kệ và tiếng chuông ngân vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Mùa Vu Lan, người được hoa trắng sẽ thấy xót xa lẫn trong thương nhớ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng và xin hãy nhớ rằng mình còn có mẹ.
Hình thức lễ Vu Lan là thế, ý nghĩa Vu Lan là thế vẫn không gì mai một theo thời gian. Nếu có thì sự đổi thay ấy bắt đầu từ những ai vẫn còn tiếp tục vui cười, để cố quên đi cành hoa lung linh trên ngực áo. Chiều nay bạn gọi điện cho mình, đầu dây bên kia vẫn gượng cười để nghe giọng nói cứ thấy nao nao…
Mùa Vu Lan giữa cõi đi về...
Hãy cài lên áo mình bông hoa biết ơn, để một lần nữa thấy lòng như ấm lại