Phần lớn người đồng tính đều bị kỳ thị, bị bạo hành ở một mức độ nào đó. Sự kỳ thị ấy khiến không ít người sớm phải bước chân vào nghề mại dâm để tồn tại.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Bị xích như một con vật
Từ khi đi học, Trần Ngọc Long (ở quận 1, TPHCM) thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Đến năm lớp 8, ý thức của cậu thiếu niên bước vào tuổi dậy thì khiến em rất xấu hổ và sợ mỗi khi phải đến lớp. Mẹ Long khi thấy hàng xóm chê mãi "Con trai bà sao ẻo lả giống con gái quá", chọn giải pháp đánh cho cậu một trận và bắt cậu nghỉ học. Gia đình cũng đã cắt mọi khoản tiền chi cho Long. Và cậu chẳng còn cách nào khác là phải tự kiếm sống, nhưng hầu như không ai muốn thuê người con trai không ra con trai như Long cả. Đến năm 18 tuổi, lần đầu tiên Long có được 200 nghìn sau một đêm làm "gái" cho một bác sĩ.
Cuộc sống của Nguyễn Minh còn bi đát hơn Long nhiều. Minh vừa bị đòn, vừa bị xích chân vào cầu thang như một con vật nuôi... Minh cảm thấy cuộc đời mình sao tối tăm, đến cả cha mẹ ruột còn đối xử như vậy, nói chi đám bạn trong trường đã từng lột quần áo Minh giữa sân để kiểm tra xem có giống người bình thường hay không? Cũng từ đó Minh bắt đầu ít nói, sống như một cái bóng. Đến giờ đã ngoài 30 tuổi, Minh không nhớ hết mình đã đi qua bao nhiêu cuộc tình và vẫn đang chấp nhận những lần "gặp" chớp nhoáng, với nhiều người đàn ông khác nhau.
16% nam đồng tính đã nhiễm HIV
Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM có ít nhất 20.000 người nam quan hệ tình dục với nam. Trong khi đó, cơ hội tiếp cận với bao caosu, các dịch vụ y tế cho người đồng tính còn rất hạn chế. Vì thế, nguy cơ lây lan HIV trong cộng đồng người đồng tính và rộng hơn ra xã hội sẽ ngày càng gia tăng nếu không có sự can thiệp mạnh và kịp thời. Theo báo cáo tiến độ phòng, chống HIV/AIDS VN năm 2012, tỉ lệ nhiễm HIV trong những người nam quan hệ tình dục với nam ở TPHCM là 16%. Tại đây, cứ 5 nam quan hệ đồng giới thì có 1 người nhiễm ít nhất 1 trong các nhiễm khuẩn giang mai, lậu sinh dục, lậu trực tràng, chlamydia sinh dục hoặc chlamydia trực tràng.
BS Hàng Thị Xuân Lan - PGĐ Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (quận Tân Phú, TPHCM) cho rằng: "Người đồng tính vấp phải rào cản khi tiếp cận bao caosu và chất bôi trơn. Họ không có sẵn khi cần dùng, không dám đề nghị bạn tình dùng. Hoặc họ dùng bao caosu với những loại chất bôi trơn có sẵn như sữa tắm, xàphòng mà họ không hề biết rằng những chất không tan trong nước sẽ làm rách bao caosu. Tỉ lệ nam hành nghề mại dâm nam đang ngày càng tăng".
Được sống đúng với bản chất của chính mình là quyền cơ bản nhất của mỗi người. Còn với những người đồng tính, đó là khát vọng mơ ước. Họ chỉ mong được sống cuộc sống bình thường, được mọi người công nhận về giới tính thực sự của mình. Trong khi sự kỳ thị với người đồng tính còn chưa được xóa bỏ, những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng nam quan hệ đồng giới sẽ giúp họ tiếp cận dịch vụ tư vấn, khám - chữa bệnh, phòng nhiễm HIV các bệnh xã hội. Đó cũng là một trong những việc không thể thiếu để giảm người nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư.
Ngày Thế giới chống kỳ thị với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới 17.5 năm nay có chủ đề hướng đến chống kỳ thị và phân biệt đối xử những người này tại môi trường trường học. Ông Eamonn Murphy - GĐ Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS tại VN - nhận định: "Hằng ngày, quyền học tập của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới vẫn đang bị xâm phạm. Họ phải chịu bạo hành và phân biệt đối xử do xu hướng tình dục, dáng hình và bộc lộ về giới tính của mình. Có tới 46% những người nam, nữ đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới đã từng bị bạo hành và phân biệt đối xử tại trường học".
Từ 15 - 17.5, Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) công diễn vở kịch "Cầu vồng lục sắc", hé mở một góc khuất trong đời sống của những người nam quan hệ tình dục đồng giới ở VN. Vì sức ép gia đình, một chàng trai như thế đã lấy vợ sinh con, nhưng rồi vẫn duy trì quan hệ song song với người tình nam của mình. Khi sự thật bị phơi bày, tất cả những người thân của anh đều đau khổ - bi kịch chàng trai "lục sắc" và gia đình anh cũng bắt đầu.